Giảm tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai bị trễ hẹn, tăng mức độ hài lòng của người dân, kịp thời tuyên truyền trước những tin đồn thổi tạo sốt đất ảo… là những nhiệm vụ đang được UBND tỉnh đặt ra, nhằm giải quyết những vướng mắc đang tồn tại ở lĩnh vực này.
![]() |
Tình trạng “sốt đất” ở nhiều địa phương, trong đó có liên quan đến thông tin đồn thổi sai sự thật khiến lượng hồ sơ về đất đai tăng đột biến. |
Nhiều cái khó
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cải cách, hoàn thiện quy trình giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhưng theo báo cáo của Sở TN&MT, vẫn còn khá nhiều “điểm nghẽn”.
Báo cáo nhanh tại cuộc họp giữa Sở TN&MT, Sở Nội vụ và đại diện một số địa phương vừa qua, đại diện Sở TN&MT thông tin, trong quý I.2019, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tiếp nhận hơn 41.100 hồ sơ, tuy nhiên chỉ mới giải quyết đúng hạn 34.257 hồ sơ, trễ hạn gần 4.600 hồ sơ. Trong khi đó, Chi cục Đất đai tiếp nhận 68 hồ sơ, trong số 56 hồ sơ đã giải quyết thì có đến 44 hồ sơ trễ hạn. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn khá cao như TP.Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên… Nguyên nhân được đề cập là việc tiếp nhận hồ sơ đầu vào tại bộ phận một cửa cấp huyện chưa đảm bảo theo quy định, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ cho công dân. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu phức tạp; biến động về diện tích, chủ sử dụng đất. Để giải quyết những trường hợp này, các cấp ngành liên quan đều mất nhiều thời gian xem xét, tham mưu giải quyết và đây là nguyên nhân trực tiếp khiến trễ hạn.
Ông Trương Hồng Giang - Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ) cho rằng, quá trình khảo sát về cải cách hành chính cho thấy tỷ lệ hồ sơ trả lại cho các địa phương do sai sót từ khâu tiếp nhận vẫn còn khá cao, trong đó có nhiều sai sót khá cơ bản. Nhiều địa phương có lượng hồ sơ giao dịch về đất đai đặc biệt lớn như Điện Bàn, Hội An, Núi Thành, Duy Xuyên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ, gây ra chậm trễ. “Có địa phương như Điện Bàn, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn đến 14%, do đặc thù là nơi khá “nóng” về giao dịch đất đai, trong khi số công chức lĩnh vực này còn khá ít. Kết quả điều tra mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết hồ sơ thủ tục ở một số đơn vị, địa phương liên quan đến lĩnh vực đất đai còn ở nhóm trung bình thấp do trễ hẹn” - ông Giang nói.
Không chỉ gặp khó do lượng hồ sơ thủ tục tăng đột biến, theo phân tích của Sở TN&MT, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương còn hạn hẹp về nhân lực. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu địa chính chưa được xây dựng, năng lực chuyên môn trong công tác đo đạc, lập hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cấp xã khá yếu, hồ sơ địa chính chưa được số hóa để lưu trữ dẫn đến không được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên, gặp tình trạng mất mát, thất lạc, hư hỏng. Đây là những cái khó hiện hữu ở rất nhiều địa phương, được đại diện các địa phương kiến nghị lên Sở TN&MT trong thời gian qua.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Ông Trần Văn Cư - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh chia sẻ, con số trễ hạn hồ sơ tăng cao, có một phần lỗi do thao tác của cán bộ tiếp nhận và trả kết quả trên phần mềm làm con số tăng đột biến. “Nhiều hồ sơ đã giải quyết và trả xong nhưng cán bộ trả kết quả không xác nhận hoặc trễ xác nhận đã trả hồ sơ trên phần mềm nên con số hồ sơ trễ hạn tăng cao. Để khắc phục việc này, cần tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiện toàn bộ máy nhằm đẩy nhanh tiến độ cải cách TTHC trên lĩnh vực đất đai, hạn chế tình trạng chậm trễ, gây phiền hà cho công dân và doanh nghiệp, tổ chức. Ngoài ra, một giải pháp khác cần tập trung là tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, ban ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết thủ tục” - ông Cư nói.
Đồng tình với những nguyên nhân gây chậm trễ việc giải quyết TTHC thời điểm hiện tại, ông Lê Tăng Trung - Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Duy Xuyên đề xuất thêm, hiện nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hồ sơ địa chính còn chậm, do đó ảnh hưởng đến công tác giải quyết hồ sơ thủ tục liên quan. “Chúng tôi mong các đơn vị liên quan hỗ trợ việc đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính, đồng thời có cơ chế động viên, khuyến khích cho cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục vì đội ngũ này đang phải đối mặt với áp lực công việc rất lớn” - ông Trung cho biết.
Đánh giá về hiệu quả giải quyết TTHC về lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nhận thức đúng đắn về yêu cầu của việc cải cách hành chính, giúp Quảng Nam xếp vào nhóm đầu cả nước về mặt này. Tuy nhiên, thời gian tới, Sở TN&MT và các ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát đến từng TTHC, từng cán bộ phân công, thực hiện tốt quy trình giải quyết TTHC về đất đai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, hạch sách và kịp thời xin lỗi dân nếu chậm trễ giải quyết theo quy định. “Một việc quan trọng, cần làm ngay là phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trước những tin đồn thổi tạo sốt đất ảo, từ đó kiềm giảm việc đổ xô đi làm hồ sơ thủ tục, khiếu nại khiếu kiện, giảm thiểu lượng hồ sơ phát sinh. Ngoài ra, cần phối hợp để có hướng hoàn chỉnh các bộ TTHC về đất đai theo hướng tinh gọn, áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC để nâng cao sự hài lòng của người dân” - ông Trần Văn Tân nhấn mạnh.
Nguồn: http://baoquangnam.vn