Đùn đầy trách nhiệm?
Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình Thủy lợi Ea Kao cho biết: “Công ty không phải là đơn vị tham mưu để cấp phép xây dựng khu vui chơi giải trí này, mà chỉ có một bản trả lời về phạm vi để cấp phép. Giấy phép đầu tư công trình do Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu, lấy ý kiến các ngành trình UBND tỉnh Đắk Lắk cấp”.
“Khu vui chơi giải trí này nằm trên quả đồi. Vì ủi đồi ra làm mặt đập nên đập thủy lợi không có hình dạng của chân đập bình thường. Sau khi thấy họ (chủ đầu tư - PV) làm không đúng, chúng tôi đã gửi văn bản hỏi Tổng cục Thủy lợi thì được trả lời rằng: Vị trí xây dựng công trình ngay chân đập thủy lợi. Chân đập này cũng trùng với đỉnh. Vì thế, đập được xác định phạm vi hành lang an toàn vận hành, là tính từ mép ngoài của đỉnh đập trở ra, tối thiểu là 15m”, ông Hạnh nói thêm.
PV thắc mắc, tại sao quy định về hành lang quản lý tối thiểu là 15m, mà lại để doanh nghiệp xây dựng cách đỉnh đập chỉ 3,5m? Lý giải về việc này, ông Hạnh chia sẻ: “Tôi mới về công tác tại Công trình Thủy lợi Ea Kao từ tháng 7/2018, khi sự việc đã xong rồi. Sau khi có ý kiến, tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp xem lại vùng phụ cận này như thế nào? Vi phạm ra làm sao? Nếu cấp phép đúng mà xây dựng sai thì xử lý, bắt lùi vào (lùi xa đập thủy lợi-PV)”.
![]() |
Khoảng cách từ bờ rào công trình đến đỉnh đập chỉ 3,5m. |
Sau đó ông Hạnh đề nghị PV sang gặp ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình Thủy lợi Ea Kao, người tham gia từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, ông Phong lại thoái thác: “Nếu nắm thông tin về mặt kỹ thuật thì cứ làm việc với phía anh Hạnh. Còn về chủ trương xây dựng ở đó, công trình được tỉnh cấp phép thì người ta mới làm”.
Đi tìm câu trả lời từ phía Sở Sở Kế hoạch Đầu tư, ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đắk Lắk thông tin: “Giấy phép xây dựng là do Sở Xây dựng cấp, Sở Kế hoạch Đầu tư chỉ là cơ quan chủ trì tham mưu chủ trương đầu tư”.
![]() |
Tên dự án rất dễ gây hiểu nhầm đây là một công trình công cộng. |
“Chúng tôi đã xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn như: Sở Nông nghiệp, Công ty thủy lợi, UBND thành phố. Trên cơ sở các đơn vị có văn bản đồng ý, phù hợp với quy định thì chúng tôi mới tham mưu chủ trương đầu tư. Còn ai sai thì phải chịu trách nhiệm”, ông Tuyên nói thêm.
Nói thêm về Công trình Thủy lợi Ea Kao, lợi dụng địa hình tự nhiên, chính quyền và người dân địa phương đã đắp một con đập nối hai quả đồi, ngăn dòng suối Ea Kao tạo thành công trình thủy lợi Ea Kao. Sau đó, họ bạt phía thượng nguồn ngọn đồi làm đường đi và hình thành đỉnh đập với chiều dài 200m. Phần còn lại của quả đồi được giao cho doanh nghiệp làm dự án.
Điều đáng nói là, khu vực triển khai dự án lại nằm ngay cạnh thân đập, phía hạ lưu, ngay cạnh cửa xả tràn nên hết sức nguy hiểm, uy hiếp trực tiếp an toàn đập vào mùa mưa.
"Có một số đơn vị chưa làm đúng pháp lệnh"
Tìm hiểu thêm dưới góc nhìn của cơ quan chuyên môn, ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk lại khẳng định: “Theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP, công trình thủy lợi Ea Kao thuộc đập cấp II, nên phạm vi bảo vệ là 100m tính từ chân đập trở ra. Đoạn họ xây (chủ đầu tư - PV) thì không có chân, vì nằm trên đỉnh đồi, nhưng vẫn nằm trong phạm vi bảo vệ công trình”.
![]() |
Ngọn núi nhân tạo to lớn, sừng sững, vươn lên trời xanh |
Về hướng giải quyết, ông Dũng cho rằng: Có thể căn cứ vào Điều 48 của Luật thủy lợi 2018, về việc xử lý công trình hiện có trong phạm vi bảo về công trình thủy lợi để xử lý. Tuy nhiên, dự án này được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư vào giữa năm 2016, lúc này chưa có Luật Thủy lợi. Khi đó, công trình lại đang áp dụng theo Pháp lệnh 32/2001/PL-UBTVQH10 về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Xét theo ý kiến của ông Dũng, chúng ta có thể thấy Điều 25, Pháp lệnh 32/2001/PL-UBTVQH10 cũng chỉ rõ: “Đối với đập của các hồ chứa nước, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập từ chân đập trở ra. Đập cấp II tối thiểu là 200m, phạm vi không được xâm phạm là 50 m sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập”
Lý giải về vấn đề (dù áp dụng Pháp lệnh 32 công trình vẫn vi phạm-PV) này, ông Dũng thẳng thắn: “Có một số đơn vị làm chưa hoàn toàn đúng với quy định của pháp lệnh. UBND tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đã nắm được vụ việc và đã có văn bản chỉ đạo với các đơn vị liên quan. Sau đó, UBND tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có kết luận kỷ luật đối với tập thể, cá nhân thuộc Công ty QLCT thủy lợi Đắk Lắk”.
Nguồn: https://infonet.vn
______________________________
Fanpage : FB/LAND.THONGTIN
Tell: 0886.186.168 - 0965.02.03.04
Add: 16 Lý Tự Trọng - P. Tân An . TP. Buôn Ma Thuột