Liên quan tới các DNNN sau cổ phần hóa đã xin mở rộng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, làm BĐS như: Vinafood 2, Sabeco... các chuyện gia lo ngại có nguy cơ gây thất thoáng, lãng phí thêm một lần nữa.
![]() |
Muốn làm BĐS, doanh nghiệp cổ phần hóa phải trả lại đất cho nhà nước. Ảnh: Nhà đầu tư |
Lợi lớn, không muốn buông
TS Đinh Sơn Hùng – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, giữ đất là tâm lý chung của các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa và cả những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa rồi.
Ông Hùng cho biết, ở thời điểm còn đương chức, ông có tham gia xét duyệt các đề án xin thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM, qua đó ông nhận thấy hầu hết các DNNN đều muốn xin mở rộng hoạt động kinh doanh, chủ yếu là BĐS.
"Đây là điều rất không bình thường vì hầu hết các DNNN không có chức năng kinh doanh BĐS nhưng lại muốn mở rộng kinh doanh sang BĐS, đặc biệt là những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa.
Lý do là vì, các DNNN khi chưa thực hiện cổ phần hóa đều sở hữu rất nhiều đất đai, tài sản công, nhiều diện tích đất rộng lớn nằm ở những vị trí trung tâm, có giá trị lớn.
Mặc dù hoạt động kinh doanh không hiệu quả nhưng những doanh nghiệp này lại có nguồn thu rất lớn từ việc cho thuê lại các nhà xưởng, trụ sở nằm ở các vị trí đất vàng.
Vì nguồn lợi quá lớn như vậy nên khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp này cũng không muốn buông mà lấy lý do đất cho thuê đang mang lại hiệu quả lớn cho cả xã hội, doanh nghiệp và nhà nước nên muốn tiếp tục được nắm giữ những diện tích đất vàng đó hoặc tiếp tục được sử dụng để cho thuê.
Với lập luận nói trên, nhiều DNNN sau khi thực hiện cổ phần hóa vẫn nắm giữ nhiều vị trí đất cho thuê với nguồn thu lớn. Đây là lý do nhiều DNNN sau khi thực hiện cổ phần hóa lại muốn làm BĐS, là vì họ muốn tiếp tục được nắm giữ các vị trí đất vàng đang được nhà nước giao cho sử dụng vào mục đích kinh doanh chính nhưng không hiệu quả", TS Đinh Sơn Hùng nói.
Từ hiện tượng nêu trên, ông Hùng đánh giá, thị trường BĐS Việt Nam đang có quá nhiều vấn đề, không ở nước nào có hiện tượng nhà nhà làm BĐS, người người làm BĐS như ở Việt Nam.
Vị chuyện gia lo ngại, sự hỗn loạn nói trên có thể sẽ dẫn tới những biến động đáng ngại, thậm chí có thể sẽ gây ra những cơn chấn động tiêu cực.
"Nhiều đại gia của Việt Nam giàu có lên không nhờ tài năng mà lại nhờ vào các mối quan hệ, quen biết, nhờ chớp thời cơ để xin dự án, xin đất giá rẻ rồi bán đi với giá cao nhằm hưởng lợi.
Vì thế nhiều người đã giàu lên nhanh chóng, dễ dàng chính là nhờ vào đất, không phải nhờ tài kinh doanh", ông Hùng thẳng thắn.
Theo ông Hùng, nguyên nhân của những hiện tượng trên cũng xuất phát từ những bất cập trong chính sách điều hành thị trường BĐS. Việt Nam chưa có thị trường BĐS đúng nghĩa, chưa hoạt động theo cơ chế thị trường, DNNN sở hữu đất đai chủ yếu dựa trên chính sách ưu tiên, ưu ái sau đó lại cho thuê lại để thu về nguồn thu quá lớn.
"Cần thận trọng với những đề xuất xin làm BĐS của DNNN sau khi cổ phần hóa. Tôi e ngại, đây không phải là những kiến nghị hướng tới mục đích kinh doanh BĐS theo cơ chế thị trường đúng nghĩa mà là một cách khác nhằm tiếp tục nắm giữ các kho bãi ở những vị trí đất vàng để cho thuê lại, kiếm lợi", ông Hùng lưu ý.
Với những lo lắng trên, ông Hùng kiến nghị phải rạch ròi, minh bạch trong cơ chế quản lý đất đai, đặc biệt với những DNNN đã thực hiện cổ phần hóa để tránh nguy cơ nhà nước bị thất thoát nhiều lần.
Theo đó, những doanh nghiệp sau khi đã thực hiện cổ phần hóa phải tra lại các diện tích đất đang được nhà nước cho thuê, đang thuê lại để sử dụng vào mục đích khác.
"Nếu yêu cầu trả lại cơ sở nhà đất, trả lại đất cho nhà nước tôi tin không doanh nghiệp nào sau cổ phần lại muốn làm BĐS.
Đây là hệ quả của cơ chế đặc quyền, đặc lợi dành riêng cho các DNNN", ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng bình luận về xu hướng các DNNN xin làm BĐS, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề khác sau cổ phần hóa, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc sở TNMT Đà Nẵng cho rằng phải thực hiện theo luật. Phải theo luật
Đà Nẵng cũng là một trong nhiều địa phương dính tới những lùm xùm về đất đai sau khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, qua sự việc trên, đây là bài học lớn cần được rút ra trong quá trình quản lý đất đai trên địa bàn.
Về những trường hợp sau cổ phần hóa xin được làm BĐS, ông Hùgg nói rõ, theo quy định, đơn vị được giao đất, cho thuê đất với mục đích gì phải sử dụng đúng mục đích đó.
Việc chuyển mục đích sử dụng phải phù hợp quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Còn việc loại hình kinh doanh đầu tư thì thuộc chức năng sở KHĐT.
Ngoài ra, việc chuyển mục đích sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của nhà nước...
Trước những lo ngại có kẽ hở trong quản lý đất đai có thể gây thất thoát, lãng phí, ông Hùng nhấn mạnh: "Đúng vậy, vì thế thực hiện phải tuyệt đối đúng quy định".
Nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dnnn-xin-lam-bds-sau-co-phan-hoa-vi-dat-cong-3385196/