CÁC TRƯỜNG HỢP CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT KHÔNG PHẢI XIN PHÉP
2019-07-25 16:12:23
Căn cứ Điều 11 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 và Điều 12 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT
Căn cứ Điều 11 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 và Điều 12 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gồm:
- Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: Đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; Đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
- Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
- Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
- Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
- Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành có 05 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải đăng ký biến động đất đai.
Vậy, thủ tục đăng ký biến động đất đai phải đăng ký như thế nào, chúng tôi hướng dẫn các bạn chi tiết như sau:
THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI
Khoản 3 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai khi chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như sau:
- Hồ sơ cần chuẩn bị
Người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ, gồm có:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
- Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
- Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất hoặc UBND cấp xã.
- Tiếp nhận và xử lý yêu cầu đăng ký biến động
- Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận vào Đơn đăng ký;
- Văn phòng đăng ký đất đai sẽ gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính. Người sử dụng đất sẽ phải nộp các nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
- Văn phòng đăng ký đất đại sẽ xác nhận mục đích sử dụng đất vào Giấy chứng nhận; hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Văn phòng đăng ký đất đai chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);
- Trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thời gian giải quyết: Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời gian giải quyết yêu cầu đăng ký biến động không quá 10 ngày.
Mọi thông tin hữu ích sẽ được chúng tôi tiếp tục cập nhật và mọi thắc mắc cần được tư vấn các bạn vui lòng liên hệ địa chỉ email info@thongtin.land để được hỗ trợ giải đáp.
Trân trọng.